Hà Nội ngày... Phở về!

| Hà Nội
882
Hà Nội ngày... Phở về!
Nhớ nhung, thèm thuồng, nôn nao, phấp phỏng, mong mỏi, hân hoan, vồ vập, sung sướng… Ôi chao là những động từ chỉ trạng thái của cảm xúc con người Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội, phải “cách ly” khỏi món phở thân thương. Thế mới thấy, Phở có vị trí quan trọng thế nào trong lòng người Hà Nội, chứ không chỉ là một món quà sáng thông thường.
 

Thật sự, có nằm mơ hoang đường đến mức nào đi chăng nữa, chẳng có ai có thể nghĩ đến cảnh tượng có một ngày Hà Nội hoàn toàn vắng bóng những quán phở vốn mở chi chít dọc ngang ở đất này và người Hà Nội lại khao khát tột cùng việc được xơi một bát phở.


Thế mà đã có cả quãng thời gian hơn 20 ngày mà dài như 20 thế kỷ như vậy vừa qua đây, khiến người Hà Nội phải cồn cào, quay quắt vì phở. Cứ như thời chiến tranh loạn lạc, bao cấp khó khăn khiến cho việc được xơi một bát phở trở thành một ân sủng lớn lao vô cùng.

Hoá ra, con người của cái thời cơm phở phè phỡn này đã hư hỏng nhiều vì được nuông chiều. Thì đấy, đi khắp Hà Nội có biết bao nhiêu quán phở bán từ tinh mơ đến tờ mờ sáng. Người ta đau đầu vì không biết nên chọn ăn ở quán nào, ăn phở gì khiến việc đi ăn phở thôi đôi khi trở thành trò lẩn thẩn của kẻ “nhiều điều kiện”.

Để rồi, đến một lúc, con virus Corona giáng cho con người hư hỏng một đòn đau choáng váng. Từ kẻ được nuông chiều nhắm mắt quờ tay giữa ngày Mồng Một Tết cũng có phở để ăn, bỗng dưng lâm cảnh “cơ hàn” đói khát phở suốt gần cả một tháng trời.

Phở bỗng nhiên lấy lại thứ giá trị quyền uy của mình, mở mắt cho con người hiện sinh hư hỏng kia thấy được mình còn hơn một món ăn và không thể lượng hoá bằng những khái niệm như calorie, dinh dưỡng, chất béo… chỉ nhằm làm đầy những cái dạ dày rỗng tuếch.

…bỗng dưng lâm cảnh “cơ hàn” đói khát phở suốt gần cả một tháng trời 

Bởi khi phở biến mất, con người kia vẫn còn cơm, bánh, cháo và đặc biệt là hàng núi mỳ tôm dự trữ cơ mà. Thế mà sao vẫn cứ đói khát, thèm thuồng một bát phở phủ đầy những miếng gàu chen mỡ vàng óng ả, những miếng nạm nâu trầm, được rắc lên mướt mát hành chẻ xanh rì rồi ngập tràn trong thứ nước phở nóng rãy thơm đến nồng nàn.

Thấy không, con người no đủ, anh đã hiểu thế nào là phở chưa? Anh có thấy phở quý giá vô cùng không? Có thấy những phố phường Hà Nội khi không còn hàng phở là lập tức đánh mất linh hồn của mình không? Anh có nhận ra rằng, không chỉ “phố Phái thâm nâu”, hay “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” mới đem lại vẻ đẹp cho Hà Nội, mà cả những miếng chín, miếng tái, quả thăn, quả bắp không?

Anh có nhìn thấy biết bao người Hà Nội đi lang thang vô định trên đường phố, mắt tuyệt vọng nhìn vào những hàng phở đóng cửa lạnh lùng, khô khốc, không một chút tình cảm, không hẹn ngày tái ngộ, để rồi những ngọn khói phở len lén trong ký ức hành hạ đến vật vã, đến thất điên bát đảo hay không?

Phở như một tình nhân trong mộng vốn vô cùng yêu thương trân quý, nhưng khi đã chiếm đoạt thoả thuê lại sớm buông lòng ruồng rẫy. Để rồi, khi mối nhân tình đó vụt tan, vụt biến, mới thấy tiếc nuối và nhận ra rằng, anh đã đánh mất một thứ trân quý bởi sự vô tình, lạnh lẽo của chính mình.

Cánh cửa đóng sập của quán phở khiến người Hà Nội rất đau. Quán cũ đây nhưng phở đâu rồi, những bó hàng hoa treo xanh biếc đâu rồi, những tảng thịt chín lộng lẫy đâu rồi, những làn khói ấm thơm nức nở đâu rồi, những âm thanh dao thớt lanh lảnh hay tiếng húp nước sụp soạt đâu rồi? Tất cả đã như cánh hạc vàng bay mất, chỉ còn chút lưu hương của quế hay hồi.

Thế nhưng, những cánh cửa vẫn đóng chặt im ỉm, những lò than vẫn nguội lạnh, trơ cả tro xỉ đã kịp bạc màu. Phở Bát Đàn, đóng. Phở Ấu Triệu, đóng. Phở Tư Lùn, đóng. Phở Biên, đóng. Phở Hàng Đường, đóng. Phở Khôi, đóng. Phở Sướng, đóng. Phở Vui, đóng. Phở Hà Nội, thôi từ nay đừng gọi tên nhau.


Có người sẽ hỏi: Quán phở không còn sao không về nhà tự nấu phở? Phở bây giờ dễ nấu như úp mỳ tôm, rồi thả xúc xích thôi mà, sao không tự nấu? Quả có vậy nhưng éo le thay không phải vậy.

Đành rằng, khi điều kiện kinh tế khởi sắc, việc mua bán online giúp các gia đình có được đồ nấu phở và nguyên liệu nấu phở chỉ trong một cú click chuột. Từ nồi ống inox nấu nước phở, bếp điện chuyên dụng, dao thớt, bát đĩa chẳng thiếu thứ gì cho đến bắp bò Mỹ, lõi rùa bò Úc, gầu bò Kobe, thăn hoa bò Argentina… rồi bánh phở thái sẵn, hành hoa, rau mùi, rau thơm đầy nhan nhản trên mạng, cứ việc đặt về.

Nhưng phở là thứ thời trân khó có thể nấu tại nhà, ngoại trừ phở gà, phở xào hay phở cuốn… Cứ nghiệm mà xem, có rất nhiều món không thể nấu tại nhà bởi dù có nấu khéo đến đâu, ăn vẫn cứ chống chếnh như thiếu thiếu một cái gì đó. Nước chấm của bánh cuốn, ốc luộc, bún chả là một ví dụ.


 

Phở là một thực thể sống động bởi lớp lớp văn hoá áo lên nó từ khi hình thành đến giờ, cho nên phở có tinh thần của riêng mình, chứ không đơn thuần là một món ăn.

Đặc biệt là phở. Hầu như những con nghiện phở chuẩn mực đều thấy rằng phở nhà mình nấu ăn không bao giờ ngon bằng phở của quán. Nào có thiếu gì đâu, thậm chí, nguyên liệu chế biến còn hảo hạng gấp vạn lần, nhưng không thể nào sánh được. Đâm ra nhiều người cứ bị mang tiếng oan “thích lê la ăn phở ngoài đường”.

Có lẽ là bởi phở nấu ở nhà, ăn ở nhà thiếu mất một yếu tố – mà khốn nạn thay lại cực kỳ quan trọng – đó là yếu tố “tinh thần phở”. Như đã nói, phở là một thực thể sống động bởi lớp lớp văn hoá áo lên nó từ khi hình thành đến giờ, cho nên phở có tinh thần của riêng mình, chứ không đơn thuần là một món ăn.

Không chỉ người Việt nhìn thấy tinh thần của món phở mà ngay cả người Nhật cũng nhìn thấy tinh thần của nhiều món ăn ở nước mình, ví dụ như món mỳ ramen. Mỳ ramen chỉ gồm có sợi mỳ, thịt lợn nấu nhừ, miếng măng khô và nước ninh từ xương lợn.

Xuất thân từ một món ăn đường phố, tinh thần của phở là thấm đấm hơi thở của phố phường.

Khi ăn mỳ ramen, bao giờ người Nhật cũng ngắm nghía bát mỳ trong vài chục giây, sau đó, dùng đũa gắp miếng thịt lên để ngắm nghía chán chê rồi lại rục xuống, giấu dưới lớp mỳ. Họ đầu tiên ăn vài sợi mỳ, rồi dùng đũa gại gại vào miếng măng để đánh thức nó dậy, sau đó gắp lên để ngắm nghía, rồi mới cắn miếng măng.

Cứ như thế, khi gần hết họ mới ăn cùng cả mỳ, thịt và măng. Người Nhật quan niệm rằng, ăn như thế mới đánh thức và chiêm ngưỡng được trọn vẹn tinh thần của bát mỳ ramen.

Vậy tinh thần của phở nằm ở đâu? Rất đáng tiếc là tinh thần đó không nằm ở nhà, hay bát phở nấu ở nhà mà nằm ngoài đường phố, vỉa hè, và không gian quán. Xuất thân từ một món ăn đường phố, tinh thần của phở là thấm đấm hơi thở của phố phường.

Những gánh phở, quầy phở đặt ghé trên vỉa hè, người ăn phở đứng ngồi lô xô trên vỉa hè, bậc thềm, thậm chí trên rãnh nước từ thuở sơ khai đã tiêm nhiễm tinh thần đường phố cho phở.


 

Mùi phở quấn quýt, gắn chặt với mùi của đường phố, tạo nên một phong vị rất đặc biệt.

Sau này, khi vào trong quán, phở vẫn tiếp xúc rộng rãi với môi trường đường phố với những bếp lò đun nồi nước phở đặt ngoài vỉa hè, những tảng thịt treo lúc lắc trong hồng trần, và đặc biệt khu làm phở bao giờ cũng được đặt sát đường phố nhất, không bao giờ để ở cuối phòng hay sâu trong quán.

Để hưởng thụ đầy đủ tinh thần của phở, thực khách nên ăn phở trong không gian mở của hè phố. Điều này càng tuyệt đối cần thiết trong yêu cầu “giãn cách xã hội” của thời đại dịch COVID-19. Mùi phở quấn quýt, gắn chặt với mùi của đường phố, tạo nên một phong vị rất đặc biệt.

Tháng này, những tán lá bàng trên phố Hàng Vải nở ra xanh non, lọc thứ ánh sáng đi qua nó thành một thứ hào quang diễm lệ và tuyệt đẹp vô cùng. Sao có gì sung sướng bằng việc ngồi xơi một bát phở Lâm hay phở Khôi dưới cái tán ngọc ngà lung linh biếc xanh đó.

Ăn một bát phở chín gầu vào một buổi sáng chan hoà ánh sáng huyền ảo, trong thanh âm rộn rã của còi xe, tiếng người rì rầm trò chuyện, tiếng gọi phở, điều phở, tiếng xoảng xoảng của thanh sạn cọ vào chảo khi áp chảo hay tái lăn, tiếng xuýt xoa vì cay và nóng.

Nào đã hết. Còn mùi nữa chứ. Mùi bã trà ngai ngái, mùi bã mía ngòn ngọt, mùi khói xe khen khét, mùi gây gây lưu cữu của thịt bò, mùi của bụi bặm, mùi nước hoa người, mùi cà phê chín trong phin, mùi của chợ búa họp vội gần đó… Tất cả, tạo nên tinh thần của phở, khiến người Hà Nội phải tâm đắc: Đây mới đúng là phở.

Cà phê bệt của người Sài Gòn đôi khi ngon khi giơ ly cà phê lên, bỗng một cơn gió bay qua khiến hàng me trút lá như mưa. Và rồi, một vài cánh lá me mảnh mai vô tình đậu vào ly cà phê đem lại chút ngon lành, thi vị cho người uống. Để rồi, khi khi ngồi bệt trên vỉa hè Sài Gòn uống một ly đen, lòng lại mong ngóng một cơn mưa lá me. Những thứ đó, dần tạo thành tinh thần của cà phê bệt, như phở vậy.

Rồi cũng đến ngày Phở về Hà Nội. Ngay từ trong đêm, những dòng tâm trạng về nỗi khao khát phở nhấp nháy sáng Facebook. Người Hà Nội náo nức chờ đón phở, sau những ngày u uất, buồn chán và ảm đảm. Trên phố sách Đinh Lễ, những bà bán sách kháo nhau rằng xem đã kịp ăn phở chưa, rằng phở Thìn Bờ Hồ sáng nay, người ăn phở đông, xếp thành dãy dài như người đi nhận gạo ở ATM vậy.

Câu chuyện chủ đạo của ngày hết phong toả chỉ phở và phở. Trời vẫn cứ rét nàng Bân nhưng không còn mưa mà đã khô và hửng nắng. Điều kiện đó quá tuyệt vời để đi “ôm phở vào lòng”, cho dù phở cũng vội vàng về lại chốn xưa nên còn chưa chuẩn lắm.

Câu chuyện chủ đạo của ngày hết phong toả chỉ phở và phở.

Kệ, qua bao ngày giông gió, thấy quý ngày bình yên. Đã qua cơn nhịn phở “những hăm mấy ngày”, thì có phở để ăn đã là tuyệt vời lắm rồi. Bất chấp nước cuối nồi gia thêm nhiều nước lọc nên đục và mặn, thiếu mùi thơm của xương bò; bất chấp chưa có nhiều sự lựa chọn nào gầu mỡ hay gầu giòn. Cứ yêu là yêu đã.

Ngồi trước bát phở, hít hà cái mùi phở quyến rũ, kệ cho nước miếng cứ tuôn ra như triều cường; kệ cho con tì, con vị giục giã “ăn đi, ăn ngay, ăn luôn cho sướng”; kệ cho những kẻ đến muộn bị trượt bát phở cuối cùng, thở dài thườn thượt, mặt chảy như nỗi buồn, hãy cứ tận hưởng cái cảm xúc trùng phùng quý giá.

No mắt, no mũi, no tai rồi mới để cái mồm, cái lưỡi được no. Ôi chao, sao mà miếng phở ngon đến thế, hơn đứt mọi thể loại bún, miến, mỳ, cháo tầm thường. Miếng thịt bò đập bép, nở bồng bềnh trong làn nước nóng như một đoá hoa và ngọt ngon gấp vạn lần thứ beefsteak thăn nội, thăn ngoại hay T-bone.

Miếng phở trôi đến đâu, sự hồi sinh nảy nở ở đó. Đến khi, bát phở an vị trong dạ dày thì mùi thơm bắt đầu toả ra thơm ngát khắp cơ thể. Đứng dậy, đeo khẩu trang, mùi phở cứ nồng nàn trong cánh mũi mãi không thôi, chẳng bù cho mùi cồn nghiệt ngã hôm nào.

Phở của ngày trở về đầy cảm xúc và thăng hoa. Những quán phở quen thuộc lần lượt xoá bỏ cách ngăn, xiềng xích. Hai Bà Trưng, Ấu Triệu, Bát Đàn, Lê Văn Hưu, Lò Đúc, ngõ Trung Yên, Hàng Giày, Phủ Doãn, Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Da, Ngõ Trạm, Bờ Hồ, Hàng Đồng, Hàng Vải.. và khắp năm cửa ô chốn kinh kỳ.

Phở, sau thời gian xa cách và sống chậm, đã cho người Hà Nội biết được thế nào là phẩm cách cao quý của mình, một giá trị đã bị sự gấp gáp, khủng hoảng thừa che lấp bấy lâu nay. Phở không phải chỉ là thức ăn cho dạ dày mà còn là suối nguồn tưới tắm cho tâm hồn của người Hà Nội.

Thăng Long, phi chiến địa rồi cũng đã bị khói lửa chiến tranh ập đến và tan biến. Hà Nội phi dịch bệnh, rồi cũng đã lao đao vì dịch bệnh và đứng vững vàng. Nhưng Hà Nội sẽ không bao giờ thiếu vắng được phở, bởi trong thời điểm cách ly, giãn cách, phở vẫn cứ tồn tại, cho dù trong nỗi nhớ.

Để rồi, khi Hà Nội ngày Phở… về, tình yêu phở càng trở nên mãnh liệt vô cùng!

Nguồn: Vietnam Plus

Bình luận