Lịch sử 36 phố phường Hà Nội

| Hà Nội
1018
Lịch sử 36 phố phường Hà Nội

Hà Nội 36 phố phường với nghìn năm văn hiến, đất kinh kì đi qua bao đời người con đất Tràng An. Người ngoài có thể không biết, nhưng người thủ đô chẳng có ai mà lại không biết, không thương, để mà mỗi dịp có người đến thăm lại tự hào kể lại.

Lịch sử 36 phố phường Hà Nội

Nhắc đến lịch sử của Hà Nội 36 phố phường hay phố cổ Hà Nội, có lẽ phải ngược lại khoảng thời gian từ thời Lý – Trần, khi khu dân cư sinh hoạt buôn bán này bắt đầu hình thành, dân cư từ khắp các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập lại và trở thành khu vực sầm uất nhất kinh thành thời ấy. Không những vậy, khu đô thị này còn tập trung nhiều hoạt động tiểu thủ công nghiệp, buôn bán giao thương để mà từ đó hình thành nên cái tên “Hàng”, cách gọi ám chỉ những phố nghề đặc trưng, mang đậm nét truyền thống.

36 phố phường của Hà Nội từ lâu đã đi vào trong thơ ca, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là bài vè cùng tên:

“Rủ nhau chơi khắp Long Thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai;

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,

Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,

Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,

Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,

Hàng Muối, Hàng Nón, cầu Đông,

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,

Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.

Quanh đi đến phố Hàng Da,

Trải xem Hàng phố, thật là cũng xinh.

Phố hoa thứ nhất Long Thành,

Phố dăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,

Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền”.

Trải qua bao thăng trầm của đất thủ đô, khu phố ấy vẫn đi cùng năm tháng, trường tồn cho đến tận bây giờ, bảo tồn và gìn giữ để trở thành phố cổ Hà Nội trong lòng bao người con đất Việt.

Phố cổ Hà Nội trước đây (Ảnh sưu tầm)

Phố hàng Mắm xưa (Ảnh sưu tầm)

2. Quy mô

Về mặt diện tích, theo quy định của Bộ Xây dựng, phạm vi chính thức của khu phố cổ Hà Nội được xác định như sau: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; ở phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; còn phía Đông đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật.

Bản đồ chia rõ ranh giới phố cổ Hà Nội (Ảnh sưu tầm)

3. Những nét đặc trưng của Hà Nội 36 phố phường

Tên gọi: Hà Nội 36 phố phường, cái tên đã đi vào tiềm thức của nhiều người với những nét giản dị mộc mạc nhất từ những cái tên như Hàng Mắm, Hàng Nón, Hàng Đường, Hàng Muối… đại diện cho mặt hàng chủ yếu được cái tiểu thương nơi đây trao đổi buôn bán. Phố cổ mang trong mình một nét rất riêng về đô thị, nơi phồn hoa đông đúc, lúc nào cũng tấp nập người nhưng lại vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa của đất kinh kì. Mỗi con phố đều tập trung những người thợ từ các làng nghề có tiếng quanh kinh thành Thăng Long xưa, biến mỗi con phố nơi đây thành một làng nghề thu nhỏ giữa lòng Hà Nội.

Kiến trúc: Kiến trúc lại là một nét đặc sắc khác làm nên chất riêng của phố cổ, với lối cấu trúc nhà ống, mái ngói nghiêng cùng mặt tiền là các cửa hiệu chuyên để kinh doanh buôn bán, được xây dựng chủ yếu từ những ngày thế kỉ 18, 19. Những ngôi nhà thoạt nhìn thì lụp xụp nhỏ bé, nhưng lại được con người sắp xếp vô cùng khéo léo mà hợp lý, vẫn phục vụ đầy đủ được nhu cầu đời sống của người dân nơi đây.

Lối kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ (Ảnh sưu tầm)

Văn hóa: Về với phố cổ là về với truyền thống của một nghìn năm văn hiến, với những giá trị văn hóa còn được lưu giữ trong khoảng 100 công trình kiến trúc lâu đời gồm đình, đền, chùa, hội quán, mà điển hình hơn cả là ngôi đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Đền Bạch Mã, một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa (Ảnh sưu tầm)

Những người lần đầu đến thăm, hay du khách nước ngoài có lẽ là cảm thấy có phần choáng ngợp, bối rối khi bước đi giữa những con phố nhỏ mà đông đúc, nhà cửa san sát nhau, xe cộ đi lại như mắc cửi, khung cảnh với những người chưa quen có lẽ là có phần hỗn độn. Thế nhưng phải đi, phải cảm, phải ở thì mới thấy được hết nét văn hóa rất riêng, rất lạ của cuộc sống cũng như con người nơi đây.

Bên bờ hồ Gươm (Ảnh sưu tầm)

Những chiếc xe chở hoa đi khắp mọi nẻo đường (Ảnh sưu tầm)

Cứ mỗi dịp lễ tết nào đó, người ta lại tập trung về phố cổ Hà Nội, đặc biệt là phố Hàng Mã, con phố điển hình của màu sắc, âm thanh cũng như văn hóa phương Đông.

Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu mỗi dịp trung thu (Ảnh sưu tầm)

Ẩm thực: Phố cổ Hà Nội đẹp với những hàng quán nhỏ ven đường, dù không phải nhà hàng sang trọng nhưng hương vị lại đậm đà níu chân người lữ khách, có đi rồi cũng mãi không quên. Là một buổi ngồi bên hồ Gươm hóng gió, ăn que kem Thủy Tạ, nhìn dòng người qua lại, hay lên phố mà không thưởng thức kem Tràng Tiền thì quả là điều thiếu sót. Hà Nội cũ với những gánh hàng rong chập chùng, len lỏi qua từng con phố với những món ăn bình dị mà dân dã như bánh rán, trứng vịt lộn, hay chỉ đơn giản là cốm, món quà quê nức lòng người con Tràng An có thể làm say lòng bất kì thực khách khó tính nào.

Cốm, thức quà quê dân dã của người Hà Nội (Ảnh sưu tầm)

Phố cổ tấp nập những ngày cuối tuần (Ảnh sưu tầm)

Ẩm thực phố cổ gắn liền với những món ăn truyền thống như bún chả, phở, bún cá, bún đậu mắm tôm, bún ốc, bún thang,…của quán nhỏ ven đường, hay trong những căn nhà cổ đã có đến hàng chục năm tuổi.

“Hà Nội 36 phố phường” không chỉ nổi tiếng là nơi ăn chơi bậc nhất Hà Thành, mà còn lưu giữ biết bao giá trị lịch sử, văn hóa của hơn một ngàn năm văn hiến. Bạn nhất định không được bỏ qua điểm đến này khi về thăm Hà Nội nhé.


Bình luận