Hà Nội cân nhắc bỏ ga ngầm C9 Hồ Hoàn Kiếm, tuyến ĐSĐT số 2

| Hà Nội
1990
Hà Nội cân nhắc bỏ ga ngầm C9 Hồ Hoàn Kiếm, tuyến ĐSĐT số 2

Hà Nội đang nghiên cứu bỏ hẳn ga ngầm C9 - ga Bờ Hồ trên tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do các vướng mắc xung quanh phạm vi bảo tồn cụm di tích hồ Hoàn Kiếm. Nhưng nếu không quá bảo thủ, có thể thấy, việc giữ lại ga ngầm này chính là vì hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô.


Đầu xuôi đuôi không lọt

Dự án tuyến ĐSĐT số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng là kết nối Sân bay Nội Bài với trung tâm TP và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai. Dự án có chiều dài 11,5km trong đó có 2,6km đi trên cao và 8,9km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10.
Hiện tất cả các hạng mục tuyến, Depot, ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, riêng tổng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh Bờ Hồ phía trước Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội) vẫn chưa được thông qua.

Thực tế là quy hoạch vị trí của ga ngầm C9 đã được UBND TP Hà Nội, các chuyên gia tư vấn và Ban Quản lý ĐSĐT đã đề xuất lên Bộ VHTT&DL từ hơn 10 năm:
  • Ban đầu, Bộ đã đồng ý với tất cả các đề xuất về vị trí hướng tuyến (năm 2008), vị trí ga (năm 2010), vị trí công trình phụ trợ (năm 2015), cuối cùng là vị trí các cửa lên xuống (năm 2017).
  • Tháng 3/2018, UBND TP Hà Nội còn tổ chức trưng bày công khai và lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân về Quy hoạch ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và được hơn 90% người tham quan đồng tình, ủng hộ.
  • Tại hội thảo do Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức tháng 11/2018, 11/12 đại biểu là những nhà khoa học đứng đầu các hội khoa học/nghề nghiệp phát biểu ý kiến ủng hộ, đồng tình.
  • Từ năm 2017, Bộ VHTT&DL lại có yêu cầu điều chỉnh vị trí ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm.
Rất nhiều chuyên gia thắc mắc, vì sao suốt một quá trình hàng chục năm Bộ VHTT&DL không yêu cầu điều chỉnh, đồng thuận với các phương án đề xuất về cả vị trí, hướng tuyến? Hậu quả là từ đó tới nay, Quy hoạch vị trí ga ngầm C9 nói riêng, Dự án tuyến ĐSĐT số 2 nói chung tiếp tục nằm im lìm trên giấy, giữa những bùng nhùng tranh cãi tưởng như không hồi kết.
 
Thế giới "ứng xử" ra sao với các Nhà ga trong khu di sản văn hóa?

Nhìn ra thế giới, tại nhiều nước phát triển, có nền văn hóa lâu đời, bề dày lịch sử và văn minh, việc xây dựng các tuyến ĐSĐT với nhà ga đi kế cận, thậm chí là đi ngầm dưới di tích không hiếm. Theo một cách nhìn khác, những nhà ga đường sắt đô thị tại khu vực trung tâm thành phố là một tài sản kinh tế quan trọng. Sau đây là một số ví dụ điển hình:
  • Nhà ga San Giovanni hoặc ga Fori Imperiali (Rome, Italia): Được xây dựng ngay bên dưới khu di sản gồm di tích đấu trường và Khải hoàn môn La Mã nổi tiếng.
  • Khu vực Quảng trường Đỏ (Moscow Metro): Bố trí 03 nhà ga ngầm của 3 tuyến nằm trong lõi di sản Quảng trường Đỏ. 
  • Nhà ga Shibya (Tokyo Metro): Giao lộ Shibuya có lẽ mang tính biểu tượng nhất của thành phố Tokyo trên toàn thế giới.
  • Khu vực Quảng trường Thời đại: Có 3 tuyến Metro đi qua, bố trí 02 nhà ga ngầm để phục vụ hành khách.
  • Khu vực Cung điện Hoàng Gia và Bảo tàng Lourve (Paris, France): Bố trí 01 nhà ga ngầm chung của 2 tuyến để phục vụ hành khách.
  • Khu vực Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc): Các nhà ga ngầm được bố trí bao quanh quảng trường Thiên An Môn, rất thuận tiện cho du khách.
Việc xây dựng các tuyến ĐSĐT hiện đại kết nối trục tiếp đến những khu vực di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội, ngoài giải quyết vấn đề giao thông, còn mở ra cơ hội quảng bá, là “thông đạo” đưa du khách đến với di tích. Về kỹ thuật, các đơn vị tư vấn, giám sát, thiết kế, đầu tư cả trong và ngoài nước đều cam kết có thể thực hiện dự án và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quần thể di tích. Vậy vì sao vẫn cần phải điều chỉnh, thậm chí là dự định từ bỏ hẳn nhà ga này? Bỏ hay giữ ga C9 mới thực sự là vì Hà Nội?
Ba phương án đề xuất bố trí nhà ga C9 Hồ Hoàn Kiếm

Những vướng mắc kéo dài quá lâu đã buộc Hà Nội phải tiếp tục nghiên cứu tìm hướng giải quyết vị trí ga ngầm C9 của tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và đưa ra ba phương án.


Phương án 1: Ga C9 tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, đưa ra ngoài vùng bảo vệ II quần thể di tích Hồ Hoàn Kiếm

Ga C9 được kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội. Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m. Nhà ga được thiết kế thành 4 tầng, sảnh chờ, hệ thống bán vé ở tầng 1; tầng 2 và 4 phục vụ đón trả khách; tầng 3 chứa thiết bị.

Ban Quản lý ĐSĐT (MRB) đánh giá phương án này ít tác động đến khu vực di tích được bảo vệ, song sẽ nảy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, tăng diện tích giải phóng mặt bằng, đội chi phí. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án 2 hơn 440 tỷ đồng. Ga xếp chồng 4 tầng có thể gây lún nền, rủi ro xây dựng do đất phủ mỏng.

Phương án 2: Giữ nguyên hướng tuyến đã đề xuất, đưa ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ II

Ga C9 được đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Ga dài 150 m; rộng 21,4 m và sâu 20 m; đỉnh ga cách mặt đất khoảng 2,5 m.

Nhà ga có 4 cửa lên xuống, xây theo mô hình 3 tầng song song đồng mức. Tầng trên cùng là sảnh, ở giữa là khu vực kỹ thuật và dưới cùng là nơi đón trả khách. Dự kiến tổng chi phí xây dựng đoạn từ ga C8 đến C10 là 3.870 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phương án này đang bị phản đối do phần lớn nhà ga và một cửa lên xuống nằm trong vùng bảo vệ II của khu di tích hồ Hoàn Kiếm. Bộ VHTT&DL và một số chuyên gia cho rằng vị trí này vi phạm Luật Di sản.

Phương án 3: Bỏ hoặc lùi thời điểm xây dựng ga C9; giữ nguyên hướng tuyến

Khi không xây dựng ga C9, tàu sẽ chạy trong đường hầm dài khoảng 2,4km với các thông số kỹ thuật không thay đổi so với phương án đề xuất phê duyệt. Nhược điểm của phương án này là mục tiêu, mục đích phục vụ của ĐSĐT trong khu vực Bờ Hồ sẽ hoàn toàn không đạt được.

Đối với toàn bộ dự án tuyến ĐSĐT 2, bỏ ga C9 đồng nghĩa với việc bỏ trống hoàn toàn khu vực trung tâm bao gồm khu phố cổ, khu di tích hồ Hoàn Kiếm, các cơ quan, công sở, trung tâm thương mại, khu dân cư… tại vùng phụ cận ra khỏi phạm vi phục vụ của ĐSĐT.

Ngoài ra, theo ước tính, nếu xây dựng ga C9 ở giai đoạn sau sẽ lãng phí khoảng 1.200 tỷ đồng so với việc xây dựng ngay từ ban đầu. Do đó, việc xây dựng nhà ga C9 trong quá trình vận hành khai thác không được các chuyên gia tư vấn khuyến nghị.

Hà Nội đang đứng trước quyết định rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ về sau, tương lai hàng trăm năm nữa. Bỏ hay giữ ga C9 vì Hà Nội - câu hỏi này cần được trả lời dứt khoát!
-------------------------
VIETBIS cung cấp giải pháp tiết kiệm chi phí in ấn, số hóa tài liệu văn phòng cho hàng chục ngàn doanh nghiệp tại Hà Nội và khu vực miền Bắc:

☼ Hotline: 024 7303 1068 / 0971 491 492


Bình luận