Hà Nội quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị, 4 thành phố trực thuộc

| Hà Nội
1772
Hà Nội quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị, 4 thành phố trực thuộc

Ngày 29/3/2024, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội. Đồ án quy hoạch Thủ đô xác định Hà Nội sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị và 4 thành phố trực thuộc.

Bản đồ quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Đồ án quy hoạch xác định sẽ có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, hoàn thành sớm các tuyến kết nối nội đô với sân bay quốc tế Nội Bài và khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 (quy hoạch 1259), đồ án bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố cổ; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để phối hợp Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

☼ Tham khảo: 

Hướng tuyến 14 tuyến Đường sắt đô thị Hà Nội

Tuyến 1. Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo;

Tuyến 2. Sóc Sơn - Nội Bài - Thượng Đình - Xuân Mai

Tuyến 2A. Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai;

Tuyến 3. Sơn Tây - Trôi - Nhổn - Yên Sở - Cầu Diễn;

Tuyến 4. Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà;

Tuyến 5. Văn Cao - Hòa Lạc;

Tuyến 6. Nội Bài - Mai Dịch;

Tuyến 7. Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi;

Tuyến 8. Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá;

Tuyến 9. Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2;

Tuyến 10. Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá;

Tuyến 11. Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4;

Tuyến 12. Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai;

Tuyến 13. Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân

Quy hoạch cảng hàng không thứ hai tại Phú Xuyên - Ứng Hòa

Về cảng hàng không, cùng với nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đồ án đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 60 triệu hành khách và 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; đến năm 2050 đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Ngoài cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đồ án quy hoạch cảng hàng không thứ hai sau năm 2030, dự kiến nằm ở địa phận hai huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, đón 30-50 triệu hành khách và một triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Các sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc sẽ phát triển theo hướng phục vụ lưỡng dụng dân sự và quân sự.

Hà Nội quy hoạch 4 thành phố trực thuộc

Đồ án định hướng các vùng đô thị gắn với các trục phát triển. Theo đó, vùng đô thị trung tâm gồm hai tiểu vùng phía Bắc và Nam sông Hồng, là các quận hiện có và các quận sẽ hình thành trong tương lai, có vai trò phát huy giá trị nội đô lịch sử, kết hợp hài hòa xu thế phát triển văn minh, hiện đại.

  • Thành phố phía Tây: gồm vùng Hòa Lạc - Xuân Mai, định hướng phát triển thành phố khoa học và đào tạo. 
  • Thành phố phía Bắc: gồm Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh, có chức năng công nghiệp, công nghệ cao và trung tâm logistics kết nối đa phương thức vận tải.
  • Thành phố phía Nam: được phát triển từ vùng đô thị phía Nam gồm Phú Xuyên và Ứng Hòa khi sân bay thứ 2 vùng Thủ đô hình thành. 
  • Thành phố Văn hóa - Du lịch: Vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì gồm thị xã Sơn Tây và một phần huyện Ba Vì.
5 trục phát triển gắn với 5 vùng đô thị

Tương ứng các vùng đô thị (vùng đô thị trung tâm và 4 thành phố trực thuộc) là 5 trục phát triển. 

Trục Sông Hồng là trục không gian chủ đạo của đô thị trung tâm với đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử. 

Trục Hồ Tây - Cổ Loa kết nối di sản đô thị lịch sử, với cảnh quan, danh thắng, không gian văn hóa khu vực Hồ Tây và Cổ Loa.

Trục Nhật Tân - Nội Bài tạo động lực kinh tế phía Bắc sông Hồng, là trục thông minh, đối ngoại, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện hình ảnh của Thủ đô và Việt Nam ra thế giới; thu hút tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn của nước ngoài đặt trụ sở và là trung tâm tài chính phía Bắc Thủ đô.

Trục Hồ Tây - Ba Vì là trục di sản văn hóa, kết nối khu vực trung tâm nội đô với các làng cổ, di tích, danh thắng xung quanh Hồ Tây với vùng văn hóa xứ Đoài; phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng; xây dựng công trình văn hóa mang tính biểu tượng thời đại của Hà Nội.

Trục liên kết phía Nam đóng vai trò kết nối đô thị trung tâm với khu vực phía Nam để thúc đẩy sự phát triển vùng huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Đây cũng là trục kết nối đô thị trung tâm với sân bay quốc tế thứ hai; kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư; liên kết Thủ đô với các tỉnh phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh động lực phía Bắc vùng duyên hải miền Trung.


Bình luận