Nắng Hà Nội có màu gì?

| Hà Nội
465
Nắng Hà Nội có màu gì?
Trưa họp xong lại đi từ hồ Gươm về, chạy qua những con phố vắng như ngày Tết, nắng nóng oi bức nhưng cũng đỡ ngột ngạt hơn. Tạm quên đi những con số nhảy múa trong đầu và những thông tin dịch bệnh để ngắm chút nắng trong những ngày lạ lùng này. Tự hỏi mình, nắng Hà Nội có mầu gì?

Hà Nội ngày này, nắng gắt như mang con người ra phơi khô. Từ sớm nắng đã chói, mở cửa ra đường, nắng phả vào người như hớp rượu nặng, phải thở hắt ra. Gắt và nồng. Chiều đến, mặt trời tắt vội, chút nắng chiều cũng vẫn như phà hơi thuốc vào mặt…

Nắng Hà Nội vẫn có cái lạ riêng. Nắng giòn tan. Nắng gắt gỏng. Nắng trong như pha lê. Nắng nóng nhưng những giọt nắng những tia nắng trong ngôi nhà nhỏ, trong cầu thang những căn nhà cũ thì lại lạnh và sắc như gương vỡ. 

Nắng vệt nào nghiêng cũng giống lưỡi dao. Lạnh và đẹp đến run người như lúc môi em để sát mặt anh? Nắng rất trong tại sao lại lạnh đến tê lòng? Gió bay qua, nắng, rung rinh nắng, nắng lấp lánh, kìa, em thấy không?

Nắng chiếu qua những kẽ lá thành những mảnh ngổn ngang dưới chân người. Nhìn những người lao động mắt buồn trong nắng trưa chợt nghĩ: Nắng ở quê có khác không, nắng có buồn như mắt anh, ngày anh ra thành phố… Ở nhà quê, nắng có hồng đôi mắt mẹ khi màu tóc bạc như nắng vẫn ngóng chờ con…

Giữa phố trưa những bà gánh hàng rong đi qua cây nước sạch miễn phí ở bờ Hồ để lấy thêm cho đầy chai nước cho cả buổi chiều nắng khô người...

Tôi vẫn nhớ, những hàng quán phố cổ cỡ chục năm trước. Vẫn có bà chị gánh 2 mâm nem cuốn nem chua cứ chiều tối ngày hè lại có cái "đuôi" là 2 đứa con gái vẫn còn nguyên cái cặp trên vai. Chị đi khắp các quán, 2 đứa nhỏ đi theo, ríu  rít. Đứa giúp mẹ lấy nước chấm. Đứa bê đĩa vào cho khách. "Con mời bác ạ" - nghe mà thấy mắt cũng hơi cay. Tự hỏi mình, cái quang gánh huyền thoại ấy, đã gánh bao đời những đứa con.

Với tôi, những bà mẹ, bà chị ấy mới là nữ hoàng việt dã. Mỗi ngày họ đi bộ có lẽ dài hơn bất kỳ vận động viên chuyên nghiệp nào. Mỗi bước chân, mỗi đoạn đường, mỗi nắm cơm nhỏ ấy là cái cặp tóc, là quyển vở, là cái bút mới cho con ở quê nhà…Nắng là mầu những bước chân của những người mẹ tảo tần.

Nắng trải dài trong phố, những phận người núp trong bóng râm. Cơm áo gạo tiền trong dịch bệnh là những tiếng thở dài thườn thượt… 

Nắng Hà Nội luôn gắn với hoa. Mùa này là loa kèn. Cánh trắng muốt như thiếu nữ. Càng nắng hoa càng đẹp. Như những người phụ nữ ở phố cổ, càng khó khăn càng kiên cường, càng cười thật xinh…

Cái đẹp hóa ra bình dị chính là những thứ hàng ngày ta vẫn thấy, vẫn quên đi… Nắng hóa ra có cả mầu của tuổi trẻ, của khát khao, của trong trắng và thương yêu vời vợi…

Chợt nhớ tới tác phẩm Chuyến tàu cuộc đời - Le train de la vie của một nhà văn nào đó không thể nhớ nữa trong đó có viết đại ý là: Cuộc hành trình đầy niềm vui lẫn nỗi buồn, hội ngộ rồi chia ly. Ta chẳng biết rồi ta sẽ xuống ở ga nào? Thôi thì hãy sống vui, yêu thương và tha thứ, điều quan trọng là chúng ta phải để lại những kỷ niệm đẹp cho những người còn tiếp tục chuyến đi. Và cuối cùng xin cảm ơn bạn là người hành khách đã cùng với tôi chung một chuyến tàu.


Ở lại hay tìm bến đỗ mới, có mưa hay nắng đội đầu, cũng chỉ mong chúng ta sẽ bước lên một chuyến tàu khác êm ái hơn, thân thiện hơn, sẽ đưa chúng ta về một nơi chốn bình yên đầy cỏ hoa và nắng ấm...Nắng có cả mầu của bình yên.

Tạo hóa quyết định những ai có thể bước vào cuộc đời chúng ta. Nhưng chúng ta mới là người quyết định sẽ để ai ra đi, hay sẽ giữ ai lại ở bên mình. 

Và chúng ta sống trên đời này không phải để tìm thấy một người hoàn mỹ để yêu mà chính là để học cách yêu thương một người không hoàn mỹ một cách trọn vẹn. Như nắng mãi rồi cũng mưa, thích cơn mưa thì phải chịu đựng những ngày nắng cháy. Con đường nào bình yên cũng khó có hạnh phúc thật sự. Vậy Nắng là mầu của hi sinh...?!

Khói thuốc mãi cũng tàn, nắng cũng nhạt màu, cuộc sống vẫn bộn bề như vốn có. Ai cũng phải trở về trong không gian giam cầm trong 4 bức tường. Cuộc sống và ánh nắng ngăn sau ô cửa nhỏ.

Mong đến cuối chiều, trước khi dần tan ra, nắng hãy nhảy múa với tôi bên cây đàn cũ trong căn phòng nhỏ chỉ một cửa sổ với tiếng hát lầm lũi một mình một ngày rồi úa tàn, khúc luân vũ sau hết có được trỗi lên, với em, với tôi, với chúng ta… Những lúc thế này, nắng dù có nóng đến đâu thì vẫn là ánh sáng. Chói chang đến mấy cũng là nơi ta hướng đến.

Liệu những ngón tay gầy khô có giữ được giọt nắng cuối cùng, có giữ được gì cho em, cho tôi? Khi ngày rồi cũng tiến dần về đêm, nơi ánh nắng chỉ còn trong tâm tưởng xa xôi. Nắng hóa ra cũng có màu đen. Nắng Hà Nội ngày này có bao mầu. Mầu nào cho nhau…

Nguồn: Dân Việt


Bình luận